Back to the Memory Pool

Tại sao Bitcoin sẽ tiếp tục tăng trưởng

By Daniel Krawisz


Giá trị của một đồng tiền là giá trị của cộng đồng

Tiền tệ không bình thường ở chỗ sự hữu dụng của nó với tư cách như một đồng tiền là kết quả của nhu cầu đối với nó. Càng nhiều tiềm năng có các giao dịch được thực hiện bởi một đồng tiền nào đó, nó càng có giá trị. Chỉ gián tiếp nhờ vào một đặc tính vốn có của một loại tiền tệ mà nó có thể trở thành một loại tiền tệ tốt. Với người ngoài hành tinh không có hứng thú với văn hoá và công nghệ của loài người, cả đô la và bitcoin đều không có giá trị, mặc dù họ có thể nhìn thấy được bitcoin là một trung gian thanh toán tốt hơn.

Trong kinh tế học, điều này thường được gọi là hiệu ứng mạng lưới, bởi vì chính mạng lưới những người sử dụng nó thuyết phục mọi người một loại hàng hoá nào đó có giá trị. Điều này có thể dẫn tới lập luận vòng tròn: mọi người tin rằng nó có giá trị bởi vì những người khác tin rằng nó có giá trị bởi vì những người khác tin rằng nó có giá trị… và cứ tiếp tục vòng tròn lập luận đó mãi. Nó gần giống như một con khỉ trong phim hoạt hình có thể nâng mình lên bằng chỏm đuôi của nó vậy.

Tuy nhiên, một phép ẩn dụ vật lý sát hơn là sự hình thành của các tinh thể. Một chất lỏng có thể bị làm lạnh tới mức nó có thể đóng băng, nhưng không có một tinh thể băng nào được hình thành do chưa có một tinh thể băng ban đầu nào để các phân tử chất lỏng có thể bám vào. Tuy nhiên, một khi có một vết cặn, hoặc một “hạt giống" băng được đưa vào trong chất lỏng, một tinh thể sẽ phát triển xung quanh nó và nhanh chóng phát triển cho đến khi hấp thụ hết hoàn toàn chất lỏng.

Theo phép ẩn dụ này, chất lỏng được làm lạnh là thế giới trong những năm vừa qua, sự chín muồi cho một cuộc cách mạng tiền tệ, và “hạt giống" chính là những giao dịch bằng bitcoin. Thực tế quá trình Bitcoin chuyển hoá thành công thành một thứ có giá trị giống như một phép màu. Tuy nhiên, nó không phải là phép màu. Nó là kết quả của sự tận hiến và niềm tin của cộng đồng, những người sẽ không từ bỏ tầm nhìn đẹp đẽ về tương lai của Bitcoin. Có thể sẽ tốt hơn khi dùng từ “sự kết tinh" để mô tả sự hình thành “hạt giống" ban đầu của các giao dịch Bitcoin hơn là một phép ẩn dụ như “khởi động - bootstrapping", điều thể hiện một nghịch lý vật lý.[1]

Do đó, khi mọi người không thừa nhận giá trị của Bitcoin, gọi mỗi đợt tăng giá là bong bóng, họ đã không nhìn thấy được vấn đề. Một khoản đầu tư vào bitcoin là khoản đầu tư vào cộng đồng Bitcoin. Vào cuối năm 2012, tôi đã nhận ra được sự cuồng tín của cộng đồng và điều này đã thuyết phục tôi không nên chỉ xem khoản đầu tư vào bitcoin của mình là một sự đầu cơ, mà là một thứ gì đó có triển vọng thực tế.

Hiệu ứng mạng lưới cho tiền tệ

Mạng xã hội thường được lấy làm ví dụ khi nói về hiệu ứng mạng lưới. Facebook và G+ đều sở hữu những tính năng thú vị, nhưng tính năng làm cho Facebook trở nên rất hữu ích đó là tất cả bạn bè của bạn đã có mặt trên đó. Do đó, chính mạng lưới sử dụng Facebook đã làm cho nó trở nên có giá trị.

Ví dụ này có thể bị nhầm lẫn khi đem so sánh một cách tương đương với tiền tệ. Facebook và G+ có đặc tính là có thể sử dụng được cả hai với chi phí cơ hội thấp. Nói cách khác, nếu tôi đã dành thời gian để tạo ra một dòng trạng thái sến súa nhất trên Facebook, tôi có thể dễ dàng đăng nó lên G+ mà gần như chẳng tốn thêm sức. Cả Facebook và G+ đều hỗ trợ giao thức trò chuyện, do đó rất dễ dàng đề dùng một chương trình như Jitsi để có thể chạy cả hai giao thức và đăng nhập vào chúng cùng một lúc. Do đó, một mạng xã hội có thể thành công mà không làm giảm quy mô của mạng khác. Họ có thể thu hút được người dùng của mạng khác mà không nhất thiết phải kéo họ rời khỏi mạng đó.

Tuy nhiên, với tiền tệ thì tình hình lại khác. Sở hữu một đồng tiền đi kèm với một chi phí cơ hội rất cao so với sở hữu một đồng tiền nào khác. Tôi không thể sử dụng cùng một lượng tiền để cùng mua bitcoin, bạc và đô la Canada. Nếu tôi muốn có nhiều loại này hơn, tôi sẽ phải bớt loại kia xuống. (ND: ví dụ tôi có 100 triệu đồng, tôi không thể dùng 100 triệu đồng đó để mua bitcoin, bạc và đô la Canada mà mỗi loại có giá trị tương đương 100 triệu được. Tôi chỉ có thể dùng một phần trong 100 triệu đó cho mỗi loại (bitcoin, bạc, đô la Canada), do đó, nếu muốn nhiều bitcoin hơn, tôi phải bớt đi phần tiền dành cho bạc và đô la Canada). Nên nếu bất kỳ một đồng tiền nào được xem là chiến thắng so với các đồng còn lại, sẽ không có thêm lợi ích khi sở hữu những đồng tiền còn lại đó.

Trong khi hai mạng xã hội có thể cùng tồn tại, thế giới không đủ rộng lớn cho hai đồng tiền. Bất kỳ sự chênh lệch ban đầu nào giữa hai đồng tiền, bất kể nó nhỏ tới mức nào, sẽ tự củng cố chính nó lên, và không có lý do gì để kỳ vọng rằng hiệu ứng này sẽ dừng lại cho đến khi một đồng tiền bị loại bỏ khỏi sự tồn tại. Khi giá của đồng tiền A bắt đầu tăng lên so với đồng tiền B, những người nắm giữ B sẽ bắt đầu nhìn thấy khoản đầu tư (nắm giữ) của mình ngày càng bất hợp lý. Khi càng nhiều người rời bỏ đồng tiền B, sự sụt giá của nó càng mạnh cho đến khi không còn được xem là tiền tệ nữa.

Kết luận này có vẻ như không thể được rút ra từ kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta với các loại quốc tệ khác nhau trong mỗi quốc gia tương ứng. Điều này được giải thích bởi thực tế là các quốc gia này có các điều luật quy định về đồng tiền hợp pháp cũng như kiểm soát nguồn vốn, điều này làm giảm sự hữu dụng của các đồng ngoại tệ trong phạm vi biên giới của quốc gia đó. Không có khu vực nào mà Bitcoin có được đặc quyền pháp lý cả, vì vậy không có nhóm người nào được yêu cầu đối xử với nó khác với các nhóm khác. Do đó, không có lý do gì để kỳ vọng Bitcoin sẽ có trạng thái cân bằng với các đồng quốc tệ, như cách mà chúng cân bằng với nhau.

Từ những cân nhắc này, có thể thấy rằng tương lai của Bitcoin là “được ăn cả, ngã về không". Nếu Bitcoin đủ tốt để cạnh tranh với các đồng tiền khác, bất chấp đặc quyền pháp lý của chúng, nó sẽ chiến thắng và vượt qua chúng. Nếu không, nó chỉ là một bong bóng và cuối cùng sẽ không ai muốn sở hữu nó chỉ trừ một nhóm nhỏ những tín đồ thực sự.

Cũng có thể lập luận rằng Bitcoin có thể vẫn được sử dụng trên các thị trường bất hợp pháp, nhưng không có lý do gì để một kẻ buôn ma tuý chấp nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán nếu như không có ai muốn sử dụng bitcoin như một phương tiện lưu trữ giá trị hoặc một khoản đầu tư. Anh ta hoặc muốn giữ bitcoin cho chính mình, hoặc có ai đó mà anh ta có thể bán bitcoin cho họ. Do đó, nếu Bitcoin thất bại với tư cách là một khoản đầu tư thì nó cũng thất bại với tư cách là một mạng lưới thanh toán, ngay cả với những mục đích sử dụng mà nó đặc biệt phù hợp.

Ý nghĩa của xu hướng tăng trưởng của Bitcoin

Mọi thứ đều bình đẳng, một mạng lưới lớn sẽ tốt hơn mạng lưới nhỏ. Điều này đặt Bitcoin vào vị thế bất lợi so với các đồng quốc tệ. Ai đó có thể vì thế mà kỳ vọng Bitcoin sẽ giảm so với đô-la hoặc ơ-rô. Thực tế không phải như vậy (ND: bitcoin tăng giá so với đô-la và ơ-rô) cho chúng ta thấy rằng không phải tất cả đều bình đẳng. Nó cho chúng ta thấy rằng Bitcoin đủ tốt so với các đồng quốc tệ. Nó có thể tăng trưởng mặc dù ở vị thế bất lợi hơn. Hiệu ứng mạng lưới có nghĩa là khi mạng lưới Bitcoin càng lớn, triển vọng của nó càng tốt. Thực tế tăng trưởng của Bitcoin trong thời gian qua là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng nó sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Một sự phản đối có thể xảy ra là nhu cầu của Bitcoin chủ yếu là nhu cầu đầu tư chứ không phải là nhu cầu về tiền tệ. Do đó, nhu cầu về Bitcoin không còn tự thúc đẩy nó nữa. Tuy nhiên, một đồng tiền trở nên hữu ích hơn là kết quả của bất kỳ dạng nhu cầu nào, không chỉ là nhu cầu về mặt tiền tệ. Tôi cá rằng hầu hết những người đã đầu tư vào bitcoin ngày này sẽ rất vui khi nhận được nhiều hơn bằng cách trao đổi hàng hoá và dịch vụ lấy bitcoin. Họ cũng sẽ sẵn lòng đóng vai trò làm người hỗ trợ cho các giao dịch bitcoin thông qua đồng đô-la, điều này thực sự xảy ra khi một thương gia chấp nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán và sau đó ngay lập tức chuyển đổi chúng thành đô-la. Do đó, nhu cầu đầu tư của họ giúp cho Bitcoin được sử dụng nhiều hơn như một loại tiền tệ. Chỉ bằng cách đầu tư vào Bitcoin, họ làm cho có nhiều giao dịch tiềm năng hơn và khiến Bitcoin trở thành một đồng tiền tốt hơn.

Điều thú vị ở đây là chúng ta nên kỳ vọng rằng những lợi thế của các đồng quốc tệ so với Bitcoin sẽ giảm dần khi Bitcoin phát triển, và cuối cùng trở thành điểm bất lợi. Do đó, không chỉ sự mở rộng mạng lưới Bitcoin sẽ thúc đẩy sự phát triển của nó, mà sự suy giảm của các mạng lưới cạnh tranh cũng thúc đẩy sự phát triển của Bitcoin.

Dựa trên điều này, dự đoán của tôi về sự phát triển tương lai của Bitcoin không chỉ là sự phát triển theo cấp số nhân, mà còn nhanh hơn cả cấp số nhân. Nếu nó thành công, tôi dự đoán rằng Bitcoin sẽ chiếm lĩnh thế giới nhanh hơn kỳ vọng của bất kỳ ai, kể cả tôi. Dự đoán này sinh ra từ trải nghiệm thực tế của tôi: tôi liên tục ngạc nhiên trước những thành công của Bitcoin. Bây giờ, một trong những nỗi sợ lớn nhất của tôi khi viết về Bitcoin là những dự đoán của tôi sẽ trở thành hiện thực trước khi tôi công bố bài viết.

Sự kết thúc của xu hướng tăng

Dự đoán về một sự thay đổi trong xu hướng tăng trưởng của Bitcoin đòi hỏi phải suy nghĩ về những ảnh hưởng, tác động chưa có ở hiện tại. Điều này làm mọi thứ trở nên khó khăn bởi vì rất khó để nói rằng điều gì sẽ trở nên thích hợp trong tương lai. Nó có thể là, ví dụ, sự tăng trưởng của Bitcoin vượt qua cả sự phát triển công nghệ của nó và mạng lưới sẽ trở nên bị nghẽn và cản trở tốc độ mở rộng áp dụng. Nếu có một sự phối hợp tấn công của các chính phủ trên toàn thế giới, điều này có thể cản trở mạnh mẽ sự tăng trưởng của Bitcoin, nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi nghi ngờ việc ai đó có thể chặn đứng và xoá sổ Bitcoin.

Ở hiện tại, ít nhất là xu hướng phát triển của Bitcoin là sự tự củng cố chính nó và chúng ta chưa thấy một điểm cân bằng nào trước mắt cả.


  1. “Tinh thể hoá" là thuật ngữ để chỉ quá trình biến chất lỏng thành chất rắn, quá trình này không thực sự phù hợp với Bitcoin. Một phép ẩn dụ vật lý tốt hơn là khái niệm chung về sự phá vỡ tính đối xứng tự phát, nó không chỉ bao gồm tinh thể hoá mà tất cả những quá trình khác không có sự chuyển đổi từ chất lỏng sang chất rắn. Tuy nhiên, không nhiều người hiểu được điều đó để làm một phép ẩn dụ tốt hơn. ↩︎


Translated by Tichbitvn


Read in English

Back to the Memory Pool